Bộ trưởng LÊ ĐỨC ANH (sinh năm 1920)
Bộ trưởng LÊ ĐỨC ANH (sinh năm 1920)
Đồng chí Lê Đức Anh, sinh ngày 01/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (quê quán: xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), sinh ra trong gia đình quê hương giàu truyền thống yêu nước cách mạng, trong cảnh nước mất nhà tan đã sớm hun đúc trong đồng chí lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng, ý chí căm thù giặc sâu sắc.
Ảnh: Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh – Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Đồng chí chủ yếu gắn bó chiến trường miền nam gian khổ ác liệt và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, đã kinh qua các chức vụ từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn, Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn; Tham mưu phó Tư lệnh Nam Bộ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân hướng Tây Nam tiến công vào Sài Gòn.
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng. Đồng chí giữ các chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7; Chỉ huy trưởng tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam, Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam rồi Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương, nay là Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng. Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa 9 đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997. Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974, được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984; là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII, Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001, Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.
Trải qua hơn 80 năm hoạt động cách mạng liên tục, phong phú và sôi nổi, đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám nói, dám làm, nói đi đôi với làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và khích lệ các tầng lớp nhân dân noi gương đồng chí, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, tiền bối tiêu biểu của Đảng ra sức học tập, lao động và cống hiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.
TP - LTS: Ông Vũ Sơn Thuỷ, nguyên Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Tổng Biên tập báo Thế giới và Việt Nam. Năm 2012 được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong làm Đại sứ (trọn đời) nước CHXHCN Việt Nam, vô tình trở thành một nhân chứng lịch sử của Chủ tịch nước, Cố vấn, Đại tướng Lê Đức Anh trong lĩnh vực đối ngoại với 18 năm liên tục tiếp xúc và gần gũi với Đại tướng (1995-2013). Tiền Phong trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của Đại sứ Vũ Sơn Thủy với nhiều thông tin và tình tiết lý thú.
Tôi may mắn được làm quen với Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong chuyến đi dự Khóa họp đặc biệt Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 10/1995 tại New York. Kể từ đó cho đến năm 2013 trước đi công tác dài hạn ở nước ngoài, tôi cũng vinh dự được bác Lê Đức Anh cho gặp riêng đến cả mấy chục lần, trong đó có đến gần chục lần bác chủ động mời cơm thân cùng với một số người khác.
Gặp bác trò chuyện ngần đấy lần nhưng tôi chỉ có một chủ đề duy nhất, đó là: Chính sách đối ngoại Việt Nam. Bác Lê Đức Anh là tướng quân đội, gần như cả đời lăn lộn trên các chiến trường, nhưng điều kỳ lạ chính bác lại là người cuốn hút tôi về tư duy và hành động trong lĩnh vực đối ngoại. Chắc hẳn là do cách tiếp cận “phi truyền thống’’ tươi mới, thẳng thắn, thực chất, chân thành và có phần “kỳ cục” của tôi trong các lần gặp gỡ mà bác thường vui vẻ tiếp chuyện.
Và một điều chắc chắn nữa, bác quý mến tôi và đồng ý cho tôi gặp nhiều lần như vậy, thậm chí còn đến nhà riêng thăm gia đình tôi khi vừa mới làm Cố vấn, hay cho Thư ký mời cả vợ con tôi đến nhà bác ăn cơm, là vì tôi không bao giờ nhờ vả hay “xin xỏ” điều gì ở bác, kể cả khi bác còn làm Chủ tịch nước hay Cố vấn mà chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất: Làm rõ vấn đề đối ngoại Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
Nhớ lại, sau khi tốt nghiệp đại học năm 1983 tôi được Bộ Ngoại giao tuyển vào làm chuyên viên nghiên cứu các vấn đề quốc tế. Năm 1987 tôi lại đi học cao học, vậy là cả hai lần đều học ở nước ngoài và cùng về ngành quan hệ quốc tế. Thế rồi năm 1992, tôi được điều động sang làm báo đối ngoại do lãnh đạo Bộ nói là tôi có “sở trường” viết về các vấn đề quốc tế. Nhưng cũng chính từ thời điểm đó tôi phát hiện ra mình “bị hổng” kiến thức về Chính sách đối ngoại Việt Nam. Vậy là tôi phải nghĩ cách tìm kiếm thêm các thông tin và kiến thức ở bên ngoài để phục vụ công việc báo chí. Trải qua một thời gian dài công tác, năm 2005, tôi được Bộ Ngoại giao đề bạt làm Vụ trưởng rồi sau đó bổ nhiệm làm Tổng biên tập báo “Thế giới và Việt Nam”. Và tôi đã gặp may khi tình cờ được diện kiến Chủ tịch nước Lê Đức Anh và quan hệ gần gũi với bác gần 20 năm sau đó.
Lần đầu tiên được gặp bác Lê Đức Anh là khi bác đi qua chỗ tôi ngồi trong Đoàn tháp tùng Chủ tịch nước dự họp Liên hợp quốc năm 1995. Không hiểu sao bác dừng lại và hỏi tôi “đồng chí làm công việc gì’’? Tôi trả lời “Thưa Chủ tịch, tôi làm báo Quốc tế ở Bộ Ngoại giao”. Thế là bác nán lại hỏi tôi về ông Tổng thư ký (TTK) đương nhiệm của LHQ. Tôi biết, trên cương vị Chủ tịch nước, bác thiếu gì các báo cáo về vấn đề này từ Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo như Tổng cục II, Tổng cục V. “Chắc Chủ tịch muốn kiểm tra thông tin. Thôi, Chủ tịch hỏi thì biết sao nói vậy” - tôi thầm nghĩ thế và báo cáo với bác về sự nghiệp và gia đình ông Tổng thư ký đương nhiệm Boutros Boutros-Ghali, người Ai Cập đó. Bác lại hỏi sang các Tổng thư ký khác và thế là tôi được dịp kể cho bác nghe về TTK đầu tiên của LHQ người Na Uy là ông Trygve Lie, rồi ông U Thant, quốc tịch Myanmar là người châu Á đầu tiên làm TTK LHQ và các ông TTK khác như thế nào. Rồi câu chuyện giữa tôi và bác lan sang chủ đề về chính sách đối ngoại của Việt Nam lúc nào không biết. Cuộc trò chuyện kéo dài hơn một giờ đồng hồ, một số cán bộ trong Đoàn thấy hay đến vây quanh để nghe. Nhưng rồi anh Kính là Phó Tư lệnh Cảnh vệ bảo vệ Chủ tịch nước đề nghị kết thúc câu chuyện để Chủ tịch còn nghỉ ngơi chuẩn bị cuộc gặp với bạn sắp tới. Tôi hơi tiếc, nhưng lúc chia tay bác hẹn tôi là sẽ gặp lại.
Rất may là hai tháng sau tôi được Thư ký Chủ tịch báo cho biết là sẽ gặp lại trong chuyến Chủ tịch đi thăm Philippines. Lần đó cũng lại giống lần đầu, câu chuyện giữa hai bác cháu kéo dài không dứt cho đến khi Thư ký đề nghị dừng vì đến giờ Chủ tịch bận việc và hẹn lần sau nói chuyện tiếp. Rồi sau chuyến đó bác bận liên miên, các cuộc hẹn đều hoãn lại. Rồi tôi đột ngột nghe tin bác bị đột quỵ hôn mê sâu. Tôi hối hả vào thăm bác ở Nhà A11, Bệnh viện Quân đội 108 là nơi dành riêng để điều trị các Ủy viên Bộ Chính trị khi bị ốm. Qua hai cửa bảo vệ, tôi gặp bác Lê, Phu nhân Chủ tịch đang túc trực bên chồng ở đó. Bác Lê cho biết Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin, đại diện Bộ Ngoại giao cũng vừa vào thăm và bác sỹ không cho vào tận giường bệnh mà chỉ đứng ở hành lang nhìn qua cửa kính thôi. Tôi đưa bác Lê túi vú sữa mới mua ngoài phố để biếu bác Anh. Bác Lê bảo “Cảm ơn, nhưng cháu vào mà xem bác có ăn được không kìa?”. Nhìn qua cửa kính, tôi bàng hoàng thấy Chủ tịch nằm trên giường có bánh xe với một loạt ống nhựa thông qua mũi. “Chủ tịch nước Lê Đức Anh mới ngày nào oai phong lẫm liệt duyệt Đội tiêu binh cùng các nguyên thủ quốc gia mà giờ nằm liệt đây là sao’’? Tôi hỏi bác Lê bác bảo: “Làm việc quá tải, trưa chả bao giờ nghỉ trưa nên ông ấy bị xuất huyết não. Bây giờ thở, ăn, uống đều qua ống xông cả, thương quá và lo quá!”.
Đợt đó, năm 1996, ai cũng nghĩ là Chủ tịch Lê Đức Anh không qua khỏi. Một nhà báo người Mỹ, bạn tôi, anh Kenneth, phóng viên hãng tin của Đức DPA tại Hà Nội - một hãng thông tấn hay đưa tin giật gân -cho tôi biết là anh ta đang viết bài về tang lễ Chủ tịch nước Lê Đức Anh để khi sự kiện xảy ra thì sẽ là hãng đầu tiên trên thế giới đưa tin này. Nhưng mọi người, kể cả Kenneth đã không ai nghĩ được rằng Đại tướng Lê Đức Anh thọ 99 tuổi, tức 23 năm sau mới từ trần, mặc dù ông còn bị đột quỵ 2 lần nữa vào năm 2000 và 2016. Có lẽ một điều bí ẩn là bác Anh có ý chí kiên cường của một người lính được tôi luyện trên bao chiến trường nên nay đã thành công trong việc chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo và phục hồi sức khỏe một cách diệu kỳ. Với tính kỷ luật cao của mình, cả trong luyện tập và ăn uống, nên trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2010, nhìn chung bác giữ được sức khỏe ổn định.
Trở lại các cuộc gặp giữa Đại tướng và tôi. Lần gặp nào cũng có Thư ký hỗ trợ và chứng kiến, lần lượt qua 5 đời thư ký. Các anh ấy đồng thời cũng đã chụp các tấm hình ghi lại tất cả các cuộc gặp giữa tôi và Đại tướng. (Còn nữa)
Các chủ đề tôi quan tâm tìm hiểu ở bác Lê Đức Anh phục vụ báo chí thuộc vấn đề sau: 1) Nguồn gốc và nội dung thực chất của Chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; 2) Quá trình phá bao vây cấm vận, nhất là của Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra như thế nào?; và 3) Độc lập tự chủ và Hội nhập toàn cầu có đi với nhau được không?